THS. LÊ THỊ DIỄM PHƯƠNG
Khoa Luật Dân sự, Trường Đại học Luật Tp. Hồ Chí Minh.
Tóm tắt: Điều kiện trong hợp đồng tặng cho tài sản có điều kiện có thể là điều kiện rõ ràng hoặc ngầm định. Pháp luật dân sự hiện hành không quy định loại điều kiện này trong hợp đồng tặng cho tài sản có điều kiện. Tuy nhiên, trong quan hệ tặng cho tài sản trên thực tế, các bên có ngầm định về điều kiện và thực tiễn xét xử cũng công nhận hiệu lực của điều kiện tặng cho mang tính chất ngầm định. Trong bài viết này, tác giả phân tích, bình luận pháp luật và thực tiễn xét xử liên quan đến điều kiện không được ghi nhận trong văn bản, điều kiện ngầm định trong quan hệ tặng cho tài sản. Qua nghiên cứu thực tiễn xét xử của Tòa án và quy định của pháp luật Hoa Kỳ, tác giả chỉ ra khiếm khuyết và kiến nghị hoàn thiện quy định về điều kiện tặng cho trong pháp luật dân sự Việt Nam.
Từ khoá: Hợp đồng tặng cho tài sản; điều kiện tặng cho; điều kiện ngầm định.
Abstract: The conditions in a conditional gift of property might be either explicit conditions or implicit ones. Current civil law does not provide for these kinds of conditions. However, in practice, the Court acknowledges the existence of donation conditions that do not appear in any documents. The parties have fulfilled the conditions of the donation in practice. In addition, the Court also recognizes that the donative conditions might be implicit. Within this article, the author provides an analysis of and comments on the Court’s judgments related to accepting the existence of implicit conditions for donation that are not stated in the donation documents. Also, the author gives reviews of the trial practice of the US Court and the provisions of US law in order to propose improving the regulations on donation conditions in Vietnam’s civil law.
Keywords: Conditional gift of property; donative condition; implicit condition of donation.
Ảnh minh họa
Hợp đồng tặng cho tài sản (HĐTCTS) là một loại hợp đồng thông dụng được quy định trong Bộ luật Dân sự (BLDS) năm 2015. Đây là loại hợp đồng có sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên tặng cho giao tài sản của mình và chuyển quyền sở hữu cho bên được tặng cho mà không yêu cầu đền bù, bên được tặng cho đồng ý nhận. Về nguyên tắc, đây là hợp đồng không có tính đền bù ngang giá, việc tặng cho xuất phát từ ý chí của bên tặng cho với mục đích thể hiện tình cảm yêu thương, quý mến, lòng hảo tâm của bên tặng cho đối với bên được tặng cho. Đây cũng là loại hợp đồng thuộc nhóm hợp đồng chuyển quyền sở hữu tài sản, theo đó bên tặng cho đã chuyển giao tài sản cho bên được tặng cho thì không thể thu hồi lại tài sản đã tặng cho. Tuy nhiên, nguyên tắc này cũng có ngoại lệ đối với trường hợp tặng cho tài sản có điều kiện. Hợp đồng tặng cho này kèm theo điều kiện do bên tặng cho đưa ra và bên được tặng phải thực hiện nghĩa vụ theo cam kết; nghĩa vụ có thể thực hiện trước hoặc sau khi tặng cho, tức là trước hoặc sau khi bên tặng cho chuyển quyền sở hữu tài sản cho bên được tặng cho. Trường hợp bên tặng cho đã chuyển quyền sở hữu tài sản cho bên được tặng cho nhưng bên được tặng cho không thực hiện nghĩa vụ thì bên tặng cho có quyền đòi lại tài sản và yêu cầu bồi thường thiệt hại.
Tuy nhiên, trong thực tiễn, có những trường hợp các bên không ghi điều kiện thỏa thuận cụ thể trong văn bản hợp đồng tặng cho, và sau đó, bên được tặng cho không thực hiện hoặc thực hiện không đúng, không đầy đủ nghĩa vụ là điều kiện mà các bên đã cam kết. Pháp luật dân sự hiện hành cũng không có quy định đối với vấn đề này. Tòa án dựa vào những thỏa thuận được ghi nhận trong thực tế và công nhận sự tồn tại của điều kiện trong HĐTCTS có điều kiện nhằm đưa ra hướng giải quyết đảm bảo cho cam kết vẫn được thực thi và bảo vệ được lợi ích mà bên tặng cho mong muốn đạt được khi chuyển giao tài sản của mình cho bên được tặng cho.
- Cơ sở pháp lý về điều kiện tặng cho theo quy định của pháp luật dân sự Việt Nam
Theo quy định của BLDS năm 2015, trong quan hệ tặng cho, bên tặng cho có thể yêu cầu bên được tặng cho thực hiện một hoặc nhiều nghĩa vụ trước hoặc sau khi tặng cho. “Điều kiện tặng cho không được vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội. Trường hợp phải thực hiện nghĩa vụ trước khi tặng cho, nếu bên được tặng cho đã hoàn thành nghĩa vụ mà bên tặng cho không giao tài sản thì bên tặng cho phải thanh toán nghĩa vụ mà bên được tặng cho đã thực hiện. Trường hợp phải thực hiện nghĩa vụ sau khi tặng cho mà bên được tặng cho không thực hiện thì bên tặng cho có quyền đòi lại tài sản và yêu cầu bồi thường thiệt hại”[1]. Như vậy, BLDS có quy định điều kiện là nghĩa vụ mà bên được tặng cho phải thực hiện trước hoặc sau khi tặng cho. Tuỳ thuộc vào đối tượng tặng cho, mà hợp đồng tặng cho có thể là động sản, động sản phải đăng ký quyền sở hữu hay bất động sản, bất động sản phải đăng ký quyền sở hữu. Đối với hợp đồng tặng cho bắt buộc phải lập văn bản, phải công chứng, chứng thực, đăng ký thì điều kiện tặng cho cũng phải tuân theo hình thức để đảm bảo tính hiệu lực; còn lại đối với những loại hợp đồng tặng cho có điều kiện mà không bị ràng buộc về hình thức, thì thông thường các bên có thể tự do thỏa thuận điều kiện tặng cho bằng lời nói, văn bản hoặc thông qua hành vi khác. Tuy nhiên, BLDS hiện hành không quy định rõ điều kiện tặng cho có thể là điều kiện phải được xác định rõ ràng hay ngầm định.
Qua nghiên cứu, tác giả nhận thấy, trong pháp luật Anh – Mỹ, điều kiện các bên thỏa thuận trong hợp đồng nói chung có thể là điều kiện rõ ràng[2] hoặc điều kiện ngầm định[3]. Theo đó, điều kiện rõ ràng là những điều kiện thể hiện rõ ý định của các bên. Điều kiện rõ ràng được hình thành thông qua thỏa thuận của các bên được thể hiện bằng lời nói, văn bản hoặc thông qua bất kỳ hành vi nào khác có minh chứng rõ ràng. Còn điều kiện ngầm định hay ngụ ý là một điều kiện không được đề cập một cách cụ thể rõ ràng thông qua các hình thức nêu trên. Tuy nhiên, bản chất của giao dịch hoặc hành vi của các bên đã được hiểu ngầm giữa họ như có tồn tại thỏa thuận, những điều kiện này có thể được ghi nhận bởi Tòa án. Theo một tác giả: “các điều kiện ấn định rõ ràng là các điều kiện được quy định rõ ràng bởi các bên nhằm hướng tới sự ràng buộc họ về mặt pháp lý”, các điều kiện ngầm định là các điều kiện không được ấn định rõ ràng bởi các bên nhưng được xem là một phần của hợp đồng do luật định… Các điều kiện ngầm định trong hợp đồng được chia thành các điều kiện tập quán, các điều kiện luật định và các điều kiện tư pháp định”[4]. Như vậy, pháp luật nước ngoài có quy định về sự tồn tại của loại điều kiện ngầm định trong luật, trong tập quán hoặc được công nhận bởi Tòa án. Pháp luật dân sự Việt Nam hiện hành không có quy định về loại điều kiện này. Tuy nhiên, trong thực tiễn giải quyết tranh chấp về HĐTCTS có điều kiện, có những vụ việc Tòa án vẫn xem xét và công nhận sự tồn tại của điều kiện tặng cho mang tính chất ngầm định hay “ngụ ý” và điều kiện tặng cho không được ghi nhận trong văn bản tặng cho nhưng đã được cam kết trên thực tế giữa các bên.
- Thực tiễn Tòa án công nhận sự tồn tại của điều kiện trong hợp đồng tặng cho tài sản có điều kiện
2.1. Thực tiễn Tòa án công nhận sự tồn tại của điều kiện không thỏa thuận trong văn bản tặng cho
Vụ việc thứ nhất: Bà H lập hợp đồng tặng cho bà N quyền sử dụng đất (QSDĐ) với điều kiện bà N cam kết nuôi dưỡng bà H suốt đời, điều kiện này các bên có thỏa thuận bằng lời nói nhưng không được ghi nhận trong hợp đồng tặng cho. Theo lập luận của Tòa án “mặc dù bà N không thừa nhận việc các bên có thỏa thuận điều kiện chăm sóc, nuôi dưỡng nhưng bà H tặng cho bà N QSDĐ tại số 80 Lê PH, phường VB, thành phố RG là tài sản duy nhất của bà H. Bà N cùng các con bà N đã sống cùng với bà H trên phần đất này từ trước đến nay. Mặt khác, theo bà N và bà H trình bày thì từ năm 2003, bà H đã không còn lao động kiếm sống mà sống nhờ vào tiền tích lũy và nuôi dưỡng từ con, cháu. Nên việc bà H cho rằng tặng cho bà N QSDĐ kèm theo điều kiện chăm sóc, nuôi dưỡng là có căn cứ. Do đó, hợp đồng tặng cho QSDĐ giữa bà H với bà N là hợp đồng tặng cho có điều kiện là phù hợp với quy định tại Điều 125, Điều 126, Điều 470 BLDS năm 2015 và phù hợp với nội dung Án lệ số 14/2017/ALvề công nhận điều kiện của hợp đồng tặng cho QSDĐ mà điều kiện đó không được ghi trong hợp đồng được Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao thông qua ngày 14/12/2017. Bà N khi nhận tặng cho tài sản thì phải có nghĩa vụ chăm sóc, nuôi dưỡng bà H. Tuy nhiên, thời gian đầu bà N thực hiện đúng nghĩa vụ của mình nhưng từ năm 2014 đến nay bà N không thực hiện đúng nghĩa vụ chăm sóc, nuôi dưỡng bà H. Hiện tại, bà H đã không còn sống cùng với bà N và bà N cũng không thực hiện nghĩa vụ chăm sóc, nuôi dưỡng bà H. Do đó, bà N đã vi phạm điều kiện được tặng cho tài sản nên bà H khởi kiện yêu cầu đòi giá trị tài sản là có căn cứ theo quy định tại khoản 3 Điều 470 BLDS năm 2005[5].
Vụ việc thứ hai: Bà T tặng cho vợ chồng chị Hồ Thị T QSDĐ với điều kiện chị T phụng dưỡng bà T suốt đời, nhưng là mẹ con nên không thiết lập thỏa thuận bằng văn bản. Sau đó, chị T không thực hiện đúng nghĩa vụ của mình và bà T kiện đòi lại đất. Theo nhận định của Tòa án: Mặc dù trong hợp đồng tặng cho QSDĐ của bà T đối với chị T không ghi có điều kiện nuôi dưỡng, nhưng xét lời trình bày của các bên đương sự, xác định các con trong gia đình, cho thấy giao dịch trên đã tồn tại mục đích giao dịch dân sự có điều kiện: Bà T cho hết tài sản cho chị T, bà T sẽ được phụng dưỡng đến cuối đời. Như vậy, cần xác định giao dịch giữa các bên là có điều kiện, phù hợp với các điều 120, 121, 462 BLDS năm 2015… Điều này cũng phù hợp với Án lệ số 14/2017/AL ngày 14/12/2017 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao về hợp đồng tặng cho QSDĐ mà điều kiện tặng cho không được ghi trong hợp đồng, nhưng tại các văn bản, tài liệu khác có liên quan thể hiện các bên đã có thỏa thuận, thống nhất về điều kiện tặng cho và điều kiện tặng cho là hợp pháp, thì cần được công nhận[6].
Về nguyên tắc, điều kiện trong HĐTCTS có điều kiện cần phải được các bên thỏa thuận cụ thể rõ ràng, điều kiện được ghi nhận trên văn bản nếu đối tượng của HĐTCTS là bất động sản như tặng cho nhà ở[7], QSDĐ[8]. Tuy nhiên, thực tế cũng tồn tại những vụ việc các bên không ghi rõ điều kiện tặng cho trong văn bản nhưng Tòa án dựa vào hoàn cảnh thực tế để xác định có tồn tại điều kiện. Đối với hai vụ việc nêu trên, điều kiện tặng cho là bên được tặng cho phải thực hiện nghĩa vụ nuôi dưỡng bên tặng cho sau khi tặng cho, điều kiện này không được ghi nhận trong văn bản, trên thực tế bên được tặng có thừa nhận đã chấp nhận điều kiện này, nhưng không thực hiện trọn vẹn điều kiện đã thỏa thuận. Dựa trên cơ sở này, Tòa án đã công nhận đây là hợp đồng tặng cho QSDĐ có điều kiện và bên được tặng cho đã không thực hiện đúng điều kiện, nên bên tặng cho có quyền đòi lại giá trị tài sản tặng cho.
Nhận xét: Về nguyên tắc, theo quy định của BLDS năm 2015 thì hợp đồng tặng cho bất động sản có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký; nếu bất động sản không phải đăng ký quyền sở hữu thì hợp đồng tặng cho có hiệu lực kể từ thời điểm chuyển giao tài sản. Trong hai tình huống nêu trên, đối tượng của hợp đồng tặng cho là QSDĐ, nên hợp đồng phải áp dụng quy định của Luật Đất đai năm 2013 để đảm bảo tính hiệu lực của giao dịch, theo đó “hợp đồng tặng cho QSDĐ phải được công chứng, chứng thực” (điểm a khoản 3 Điều 167) và “việc tặng cho QSDĐ phải đăng ký tại cơ quan đăng ký đất đai và có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký vào sổ địa chính” (khoản 3 Điều 188). Như vậy, hợp đồng tặng cho QSDĐ về hình thức phải lập văn bản, công chứng hoặc chứng thực và đăng ký mới đúng quy định về hình thức. Điều kiện tặng cho cũng là nội dung của hợp đồng nên cũng phải được thể hiện theo hình thức trên. Thực tiễn cho thấy, các bên không thực hiện đúng hình thức hợp đồng nhưng điều kiện là nghĩa vụ tặng cho phải được thừa nhận bởi các bên, bên được tặng cho có thực hiện điều kiện nhưng thực hiện không đúng và trong hai vụ việc phân tích, Tòa án vẫn công nhận hiệu lực của điều kiện tặng cho dựa vào những cơ sở hoặc chứng cứ khác chứng minh quan hệ tặng cho giữa các bên có tồn tại điều kiện là nghĩa vụ hợp pháp mà bên được tặng cho đã cam kết thực hiện.
Mặt khác, thực tiễn giải quyết như hai tình huống nêu trên, Tòa án đều trích dẫn thêm Án lệ số 14/2017/AL. Tuy nhiên, việc áp dụng Án lệ số 14/2017/AL cho hướng giải quyết vụ việc chưa thật sự thuyết phục vì theo Án lệ này, “hợp đồng tặng cho QSDĐ không ghi điều kiện nhưng bên tặng cho phải chứng minh điều kiện được ghi nhận tại các văn bản, tài liệu khác có liên quan”, có nghĩa là các bên hoặc một bên vẫn phải viện dẫn cơ sở văn bản khác về việc ghi nhận điều kiện tặng cho. Tuy nhiên, trong hai vụ việc trên, các bên không ghi nhận điều kiện trong bất kỳ văn bản nào nên việc Tòa án viện dẫn Án lệ số 14/2017/AL sẽ không phù hợp với hoàn cảnh tình huống để giải quyết.
Theo quan điểm của tác giả, điều kiện tặng cho có thể được xem xét trên thực tế. Theo đó, các bên đã có thỏa thuận, thống nhất về điều kiện tặng cho và điều kiện tặng cho là hợp pháp; bên được tặng cho đã thực hiện điều kiện tặng cho nhưng thực hiện không đúng, không đầy đủ là đã đủ cơ sở cho thấy giữa các bên đã tồn tại điều kiện tặng cho tài sản. Hơn nữa, mặc dù các bên không thỏa thuận rõ ràng trong văn bản tặng cho về điều kiện mà bên được tặng cho phải thực hiện, thì cần dựa vào mối quan hệ giữa các bên và mục đích của việc tặng cho để xác định quan hệ tặng cho có tồn tại điều kiện hay không? Thông thường, có thể xác định giữa các bên có quan hệ huyết thống, nuôi dưỡng, các bên trong quan hệ tặng cho đã có quá trình chăm sóc, giúp đỡ và sinh sống cùng nhau, tài sản tặng cho là tài sản duy nhất của bên tặng cho và việc tặng cho với mục đích cần sự nương tựa, giúp đỡ lẫn nhau giữa bên tặng cho và bên được tặng cho, đặc biệt là giữa ông bà, cha mẹ với con cái hoặc những người thân trong họ hàng mà giữa họ đã có quá trình sinh sống, gắn bó và nuôi dưỡng, chăm sóc lẫn nhau. Tác giả cho rằng, mặc dù điều kiện không được ghi nhận trong văn bản nhưng dựa vào những lập luận nêu trên thì việc công nhận sự tồn tại của điều kiện là nghĩa vụ mà bên được tặng cho phải thực hiện là hợp lý và thuyết phục.
2.2. Thực tiễn Tòa án công nhận điều kiện ngầm định trong hợp đồng tặng cho tài sản có điều kiện
Vụ việc thứ nhất: Tòa án xác định tặng cho sính lễ là giao dịch có điều kiện. Cụ thể: Anh Đ1 và chị T tổ chức lễ ăn hỏi. Tại đây, cha mẹ anh Đ1 là ông Đ, bà V và anh Đ1 có tặng cho chị T một số sính lễ. Sau đó, hôn ước bị huỷ bỏ do lỗi của anh Đ1. Ông Đ, bà V và anh Đ1 khởi kiện yêu cầu chị T phải trả toàn bộ tài sản nhà trai đã tặng cho tại lễ ăn hỏi. Theo Tòa án, đây là giao dịch có điều kiện theo Điều 120 BLDS năm 2015 và giải quyết hậu quả theo hướng do anh Đ1 là người có lỗi hoàn toàn nên số nữ trang anh Đ1 đã tặng cho chị T và số tiền ông Đ, bà V cho chị T mua sắm quần áo cho lễ cưới tại buổi lễ ăn hỏi không được hoàn trả[9].
Vụ việc thứ hai:Tương tự, một vụ việc khác, Tòa án cũng xác định tặng cho sính lễ là HĐTCTS có điều kiện: “Anh D và chị N1 đã tiến hành lễ ăn hỏi, nhưng sau đó chị N1 đã huỷ hôn ước, không tiến hành lễ cưới. Theo Tòa án, đây là hợp đồng có điều kiện. Tòa án cho rằng: “lý do huỷ đám cưới là do các bên không trực tiếp tìm hiểu thông tin nghe được từ hai phía có chính xác hay không, không thiện chí cùng nhau giải quyết các mâu thuẫn để dẫn đến việc huỷ đám cưới”. Do đó, lỗi dẫn đến huỷ đám cưới là của cả hai bên nên chỉ buộc chị N1 có nghĩa vụ trả lại ½ số vàng cưới tính trị giá thành tiền là 18.993.000 đồng, bà Đỗ Thị C1 có nghĩa vụ trả lại ½ trên số tiền 5.000.000 đồng là 2.500.000 đồng tiền nạp tài đám cưới cho ông N, bà H là phù hợp[10].
Nhận xét: Trong cả hai vụ việc, Tòa án đều xác định đây là HĐTCTS có điều kiện, điều kiện tặng cho “sính lễ” trong lễ ăn hỏi là hai bên sẽ tiến tới việc kết hôn, theo đó nếu hôn ước không xảy ra do “cô dâu” (bên được tặng cho) huỷ hôn ước thì phải trả lại sính lễ cho phía nhà trai. Ở Việt Nam hiện nay, chưa có văn bản nào hướng dẫn cụ thể về việc đòi lại sính lễ nên đối với tranh chấp về tặng cho sính lễ, câu hỏi đặt ra là “nhà gái” có phải hoàn trả cho “nhà trai” sính lễ đã nhận từ “nhà trai” khi việc kết hôn không diễn ra hay không? Khi trao nhận sính lễ, các bên không nêu rõ là việc trao nhận sính lễ là hợp đồng tặng cho có điều kiện. Trong cả hai vụ việc nêu trên, Tòa án đều xác định là có tồn tại hợp đồng tặng cho sính lễ và như vậy, mặc dù các bên trong quan hệ tặng cho không thỏa thuận rõ về điều kiện tặng cho nhưng Tòa án vẫn xác định đây là tặng cho có điều kiện.
Tác giả cho rằng, hướng giải quyết của Tòa án đối với hai vụ việc nêu trên là hợp đồng tặng cho có điều kiện là hợp lý vì việc tặng cho sính lễ là nhằm hướng đến điều kiện kết hôn sẽ phải xảy ra trong tương lai. Tuy nhiên, điều kiện này thuộc loại điều kiện nào trong BLDS hiện hành thì Tòa án không nêu rõ[11]? Nếu xem trường hợp này là điều kiện tặng cho trong hợp đồng tặng cho có điều kiện thì sẽ trái với nguyên tắc hôn nhân tự nguyện. Bởi lẽ, theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 8 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 thì “việc kết hôn do nam và nữ tự nguyện quyết định”. Hơn nữa, quan hệ hôn nhân phải xuất phát từ ý chí tự nguyện của các bên nên trường hợp này không thể xem điều kiện tặng cho là nghĩa vụ mà bên được tặng cho phải thực hiện sau khi tặng cho được quy định tại khoản 3 Điều 462 BLDS năm 2015. Nếu xem thỏa thuận này là điều kiện trong hợp đồng có điều kiện thì điều kiện này sẽ là điều kiện phát sinh, thay đổi hay huỷ bỏ? Hiện nay, BLDS có quy định giao dịch có điều kiện, hợp đồng có điều kiện. Theo đó, “trường hợp các bên có thỏa thuận về điều kiện phát sinh hoặc huỷ bỏ giao dịch dân sự thì khi điều kiện đó xảy ra, giao dịch dân sự phát sinh hoặc huỷ bỏ”[12]. “Hợp đồng có điều kiện là hợp đồng mà việc thực hiện phụ thuộc vào việc phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt một sự kiện nhất định”[13]. Theo quan điểm của một tác giả, điều kiện trong hợp đồng có điều kiện là “những sự kiện mà các bên tham gia giao dịch dân sự thỏa thuận là điều kiện để xác lập giao dịch hoặc huỷ bỏ giao dịch được hiểu là những hiện tượng, sự vật, sự việc phát sinh trong đời sống xã hội thì khi điều kiện đó xảy ra là điều kiện để xác lập hoặc chấm dứt giao dịch dân sự”[14]. Như vậy, tuỳ thuộc vào thỏa thuận rõ ràng, cụ thể giữa các bên để xác định các loại điều kiện. Điều kiện phát sinh, thay đổi hay huỷ bỏ giao dịch là “những sự kiện mà quyền và nghĩa vụ của các bên phụ thuộc vào đó”[15]. Tuy nhiên, hôn nhân là quan hệ giữa vợ chồng sau khi kết hôn[16], không phải là giao dịch hay hợp đồng, nên không thể viện dẫn Điều 120, khoản 6 Điều 402, khoản 3 Điều 462 về giao dịch có điều kiện, hợp đồng có điều kiện, nghĩa vụ có điều kiện cho thỏa thuận tặng cho trong các vụ việc nêu trên. Qua nghiên cứu các vụ việc ở trên, Tòa án chỉ xác định đây là hợp đồng tặng cho có điều kiện nhưng không nêu rõ thuộc loại điều kiện nào cho thấy, Tòa án cũng còn lúng túng trong việc xác định điều kiện trong tặng cho có điều kiện. Đối chiếu với quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành, tác giả nhận thấy cũng chưa có quy định về loại điều kiện này.
Nghiên cứu quy định của pháp luật Hoa Kỳ, cũng có những vụ việc tương tự như tặng cho sính lễ và Tòa án cũng xem “chiếc nhẫn đính hôn”[17] là món quà tặng cho có điều kiện ngầm định và do đó “các bên phải tuân theo điều kiện kết hôn. Một món quà có điều kiện có thể được trả lại trên cơ sở lỗi hoặc không có lỗi của các bên và Tòa án thường áp dụng quy định về món quà gắn với điều kiện kết hôn để xác định dù không có lỗi của bên nào nhưng điều kiện kết hôn không phát sinh sau đó thì bên tặng cho vẫn phải hoàn trả”[18].
- Pháp luật Hoa Kỳ về điều kiện ngầm định trong hợp đồng tặng cho tài sản có điều kiện
Nghiên cứu một số vụ việc được xét xử bởi Tòa án Hoa Kỳ, tác giả nhận thấy, chiếc nhẫn nếu trao tặng với điều kiện đính hôn là món quà có điều kiện, để phân biệt chiếc nhẫn được trao trong lễ giáng sinh hoặc sinh nhật của người thụ hưởng (là món quà tặng trong hợp đồng tặng cho đơn thuần và không phải điều kiện nên bên tặng cho không thể thu hồi). Nếu hôn ước bị huỷ bỏ do lỗi của hai bên hoặc hoàn toàn do lỗi của bên được tặng cho thì bên được tặng cho phải trả lại nhẫn. Những Toà theo quan điểm này cho rằng, chiếc nhẫn đính hôn là món quà có điều kiện, với ngụ ý về mục đích là hôn ước phải xảy ra nên việc trả lại chiếc nhẫn khi mục đích của hai bên không đạt được là điều tất yếu. Ngược lại, nhiều Tòa án lại cho rằng, nếu do lỗi của bên tặng cho thì bên được tặng cho không phải trả lại nhẫn và quyền sở hữu chiếc nhẫn thuộc về bên được tặng cho. Theo một vụ kiện liên quan đến chiếc nhẫn đính hôn, “Tòa án cho phép bên thụ hưởng được giữ lại chiếc nhẫn vì lỗi của bên tặng cho do hôn nhân không thành. Theo Tòa án, bên được tặng cho được quyền giữ lại nhẫn đính hôn khi người tặng phải chịu trách nhiệm về việc đính hôn không thành”[19]. Theo một vụ kiện khác, bên được tặng cho phải trả lại nhẫn do có lỗi: Tòa phúc thẩm bang Tennessee đã buộc cô Catharyn Campell, trả nhẫn đính hôn cho anh Jason Crippen. Vào lễ Giáng sinh năm 2005, anh Jason Crippen đã cầu hôn cô Catharyn Campell và Catharyn Campell đã đồng ý, nhưng sau đó, cô đã huỷ bỏ hôn ước. Tòa sơ thẩm đã xử cho cô Catharyn Campell được giữ chiếc nhẫn vì cho đó là món quà nhân lễ Giáng sinh. Tuy nhiên, Toà phúc thẩm đã buộc Campell phải trả nhẫn cho Jason Cryppen[20]. Theo quan điểm của Tòa án: “Nhẫn đính hôn được trao khi dự tính đến hôn nhân, và như vậy, nó được ngụ ý là một món quà có điều kiện. Nếu cuộc hôn nhân, vì bất cứ lý do gì, không xảy ra, quyền sở hữu chiếc nhẫn không đáp ứng và người tặng được trả lại chiếc nhẫn”[21]. Nhìn chung, đối với trường hợp tặng cho có tồn tại điều kiện “ngụ ý” là bên tặng cho chỉ tặng cho tài sản khi bên được tặng cho phải thực hiện điều kiện. Do đó, có lẽ có sự khác biệt về mặt lý thuyết giữa một món quà có điều kiện (một người chỉ nhận được một lợi ích chỉ khi điều kiện được đáp ứng) và điều kiện liên quan đến đính hôn trong thực tế được ràng buộc bởi các bên sẽ tiến tới quan hệ hôn nhân. Vì vậy,nếu thỏa thuận giao dịch phải đáp ứng điều kiện thì một bên phải thực hiện và nếu những điều kiện đó chưa được đáp ứng thì bên kia không có nghĩa vụ pháp lý phải thực hiện theo hợp đồng hoặc được quyền thu hồi tài sản tặng cho[22].Các án lệ của Tòa án (Hoa Kỳ) cho rằng, một điều kiện thực hiện nghĩa vụ là một cuộc hôn nhân phải xảy ra sau khi chiếc nhẫn được trao hay nói cách khác cuộc hôn nhân sẽ diễn ra sau lễ đính hôn vào một thời điểm nào đó trong tương lai, và khi đó chiếc nhẫn sẽ trở thành tài sản riêng của bên được tặng cho, hoặc tùy theo giá trị và thỏa thuận, sẽ trở thành tài sản chung của vợ chồng. Nếu điều kiện của hôn nhân không được đáp ứng, chiếc nhẫn vẫn là tài sản của người tặng và phải được trả lại theo luật, trừ khi người tặng nhẫn có hành vi gian lận.
Nhận xét: Qua nghiên cứu, tác giả nhận thấy, “quà tặng cho sính lễ”[23] được xem là món quà có điều kiện, điều kiện này mang tính “ngầm định” hay “ngụ ý” là việc trao quà để hai bên tiến tới kết hôn, và nếu hôn ước không thể xảy ra do lỗi của bên được tặng cho thì bên tặng cho được quyền thu hồi tài sản như chiếc nhẫn hoặc sính lễ tặng cho[24].
Nghiên cứu quy định của pháp luật Hoa Kỳ, cụ thể Điều 1768 BLDS bang Louisiana (Hoa Kỳ) tác giả nhận thấy, có quy định về điều kiện thỏa thuận trong hợp đồng có thể tồn tại điều kiện ngầm định. Theo đó, các điều kiện có thể được thể hiện trong một quy định của luật hoặc ngụ ý (ngầm định) bởi luật, bản chất của hợp đồng hoặc ý chí của các bên[25]. Điều 1610 BLDS California năm 2020 quy định: Hợp đồng được thể hiện rõ ràng hoặc ngụ ý. Tương tự, Điều 1612 BLDS California năm 2020 quy định: Hợp đồng ngụ ý là hợp đồng mà các điều khoản biểu hiện thông qua hành vi của các bên.
Như vậy, đối với những vụ việc tương tự như tặng cho sính lễ hay món quà trong lễ đính hôn, các Tòa án Hoa Kỳ không xác định là tặng cho gắn với nghĩa vụ, mà là tặng cho có điều kiện ngụ ý là sự kiện hôn lễ sẽ phát sinh trong tương lai, ở một thời điểm nhất định và nếu điều kiện hôn ước không xảy ra, đồng nghĩa với việc mục đích của việc tặng cho không đạt được, bên được tặng cho phải hoàn trả sinh lễ. Tác giả cho rằng, hướng xử lý này là thuyết phục và việc xác định “điều kiện tặng cho là hoàn toàn hợp pháp”[26], vừa đảm bảo cho cam kết vẫn được thực hiện, mà vẫn đảm bảo được yếu tố tự nguyện, tự do ý chí trong việc kết hôn.
- Một số kiến nghị
Thứ nhất, về điều kiện không được ghi nhận trong văn bản của hợp đồng.Qua nghiên cứu thực tiễn cho thấy, bên tặng cho đã chuyển giao tài sản cho bên được tặng cho tài sản như nhà ở, QSDĐ kèm theo điều kiện bên được tặng cho phải có nghĩa vụ chăm sóc, nuôi dưỡng bên tặng cho. Nhiều trường hợp các bên chỉ thỏa thuận miệng, điều kiện không được ghi trong văn bản và khi phát sinh tranh chấp, bên được tặng cho không thừa nhận điều kiện đã cam kết trước đó và không đồng ý trả lại tài sản tặng cho. Tuy nhiên, trên thực tế, các bên có cam kết thực hiện nghĩa vụ tặng cho, bên được tặng cho đã thực hiện nhưng không đúng, không trọn vẹn, đầy đủ nghĩa vụ đã cam kết; bên tặng cho chỉ có tài sản duy nhất, tặng cho tài sản với điều kiện được chăm sóc lúc đau ốm, bệnh tật, già yếu… và bên được tặng cho đồng ý thực hiện nghĩa vụ này, nhưng sau đó không thực hiện và cũng không trả lại tài sản cho bên tặng cho, vi phạm điều kiện đã thỏa thuận, dẫn đến ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của bên tặng cho tài sản. Tòa án nhân dân tối cao nên ban hành văn bản hoặc án lệ hướng dẫn áp dụng cho những trường hợp này.
Thứ hai, bổ sung thêm quy định về loại điều kiện tặng cho. Những thỏa thuận về điều kiện tặng cho có thể tồn tại điều kiện rõ ràng hoặc ngầm định. Trong hợp đồng tặng cho, điều kiện ngầm định không được đề cập rõ ràng trong hợp đồng nhưng được pháp luật quy định từ bản chất của giao dịch hoặc từ hành vi của các bên. Trong thời gian tới, để đảm bảo tính hợp pháp của điều kiện trong chế định tặng cho tài sản, thiết nghĩpháp luật dân sự Việt Nam cũng nên ghi nhận sự tồn tại của loại điều kiện này vì trong thực tế có thể tồn tại nhiều quan hệ hợp đồng tặng cho có điều kiện, mặc dù các bên không thỏa thuận cụ thể về điều kiện của hợp đồng nhưng đã ngụ ý qua việc thực hiện hợp đồng.Chẳng hạn như hợp đồng tặng cho sính lễ, hợp đồng tặng cho với mục đích bên nhận tài sản phải thực hiện nghĩa vụ chăm sóc, nuôi dưỡng, thờ cúng… Các bên không thỏa thuận cụ thể, không ghi rõ trong văn bản hợp đồng những điều kiện nêu trên nhưng bên tặng cho và bên được tặng cho đều hiểu mục đích của hợp đồng tặng cho là hướng đến việc thực hiện những điều kiện này.
Trên cơ sở những nội dung đã phân tích, bình luận, tác giả kiến nghị cần bổ sung thêm quy định tại Điều 462 BLDS năm 2015: điều kiện tặng cho có thể là điều kiện được xác định rõ ràng hoặc điều kiện ngụ ý (ngầm định) được ấn định bởi luật, Tòa án, bản chất của quan hệ tặng cho, ý chí của các bên■
[1] Điều 462 BLDS năm 2015.
[2] Express Condition Law and Legal Definition, https://definitions.uslegal.com/e/express-condition/, truy cập ngày 29/10/2022.
[3] https://definitions.uslegal.com/e/express-condition/, truy cập ngày 29/9/2022.
[4] Paul Latimer, Business Law, CCH Australia Limited, năm 1987, pp.291-305; Abdul Kadar, Ken Hoyle, Geofreyy Whitehead, Business Law, Made Simple Books, London, năm 1985, pp. 122-127. Dẫn theo Ngô Huy Cương, Giáo trình Luật Hợp đồng phần chung, Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội, năm 2013, tr.298.
[5] Bản án số 103/2018/DS-PT ngày 21/5/2018 về tranh chấp hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất và đòi giá trị tài sản phát sinh từ hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất của Tòa án nhân dân tỉnh Kiên Giang.
[6] Bản án số 149/2021/DS-PT ngày 11/11/2021 về tranh chấp hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất của Tòa án nhân dân tỉnh Cà Mau.
[7] Điều 122 Luật Nhà ở năm 2014.
[8] Điêu 167 Luật Đất đai năm 2013.
[9] Bản án số 283/2021/DS-PT ngày 29/12/2021 về tranh chấp đòi tài sản là sính lễ.
[10] Bản án số 170/2018/DS-ST ngày 11/10/2018 của Tòa án nhân dân tỉnh Tây Ninh về việc tranh chấp hợp đồng tặng cho có điều kiện.
[11] Theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 8 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 thì “việc kết hôn do nam và nữ tự nguyện quyết định”. Vì vậy, theo quan điểm của tác giả, quan hệ hôn nhân phải xuất phát từ ý chí tự nguyện của các bên nên trường hợp này không thể xem điều kiện tặng cho là nghĩa vụ mà bên được tặng cho phải thực hiện sau khi tặng cho được quy định tại khoản 3 Điều 462 BLDS năm 2015.
[12] Điều 120 BLDS năm 2015.
[13] Khoản 6 Điều 402 BLDS năm 2015.
[14] Nguyễn Văn Cừ và Trần Thị Huệ (đồng chủ biên), Bình luận khoa học Bộ luật Dân sự năm 2015 của nước CHXHCN Việt Nam, Nxb. Công an nhân dân, Hà Nội, năm 2017, tr.238.
[15] Lê Thị Diễm Phương, Khái niệm về điều kiện trong loại hợp đồng có điều kiện, https://tapchitoaan.vn/khai-niem-ve-dieu-kien-trong-loai-hop-dong-co-dieu-kien, truy cập ngày 11/10/2022.
[16] Khoản 1 Điều 3 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014.
[17] Tục trao nhẫn đính hôn xuất hiện vào năm 1477. Khi ấy, trong lễ đính hôn với con gái của bá tước xứ Burgundy, Hoàng tử Maximilian của nước Áo đã trao nhẫn kim cương cho Mary The Rich. Nhẫn đính hôn từ đó trở thành biểu tượng của tình yêu và sự lãng mạn. Xem thêm: https://www.thevintagejeweller.co.uk/the-story-of-the-first-diamond-engagement-ring/, truy cập ngày 12/11/2022.
[18] Rebecca Tushnet, Rules of engagement, Georgetown Law Faculty Publications and Other Works, https://scholarship.law.georgetown.edu/facpub/1916, năm 1998, truy cập ngày 28/10/2022.
[19] White v. Finch [209 A.2d 199, 201 (Conn. Cir. Ct. 1964)].
[20] Crippen v. Campbell, [No. E2007-00309-COA-R3-CV (Tenn. Ct. App. Sep. 24, 2007)] [2007].
[21] Crippen v. Campbell, tlđd.
[22] Lawshelf Foundations of Law, National Paralegal College,Conditions, https://lawshelf.com/coursewarecontentview/conditions/, truy cập ngày 28/10/2022.
[23] Trần Diễm Thúy, Cơ sở văn hóa Việt Nam, Nxb.Văn hóa – Thông tin, năm 2009, tr.120.
[24] Đỗ Văn Đại và Lê Thị Diễm Phương, Sính lễ khi hôn ước huỷ bỏ, Tạp chí Khoa học pháp lý, số 01, năm 2014, tr.76.
[25] Điều 1768 BLDS bang Louisiana.
[26] Đỗ Văn Đại và Lê Thị Diễm Phương, tlđd, năm 2014, tr.71-80.
(Nguồn tin: Bài viết đăng tải trên ấn phẩm Nghiên cứu lập pháp số 11(490), tháng 6/2024)
CÔNG TY CỔ PHẦN H&M GLOBAL
Văn phòng giao dịch: Số 15/195 đường Quang Trung, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội
Hotline: 0385.696.636
Email: [email protected]
Website: https://hmlawgate.com/